CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT – THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ SAO VIỆT
Tổng kho 109 109 Trường Chinh - Thanh Xuân - Hà Nội
Email: saovietxulynuoc@gmail.com
Điện thoại: 0989.41.7777 - 0985.22.33.88

Tại sao nước có mùi hôi vị lạ

Nước có mùi hôi vị lạ là một trong những vấn đề thường gặp và khó giải quyết trong quá trình vận hành hệ thống cấp nước. Có 3 yếu tố để đánh giá chất lượng nước là độ trong, mùi và vị của nước. Nước không trong, có mầu, có mùi hôi vị lạ sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy nước có thể không an toàn để sử dụng.

Vậy tại sao nước có mùi hôi vị lạ

Có nhiều nguyên nhân gây ra mùi hôi của nước và là kết quả của tổ hợp các nhân tố. Xác định nguyên nhân của mùi, vị trong từng trường hợp cụ thể là việc làm rất khó khăn và trong nhiều trường hợp không có câu trả lời xác đáng. Nó có thể xảy ra do kết quả vận động của tự nhiên và hoạt động của con người ở mọi chỗ, mọi nơi trong hệ thống xử lý nước. Nguồn nước thô, hệ thống đường ống, bể chứa nước sạch, đầu nối … đều có thể là nơi gây ra mùi hôi và vị lạ của nước.

  • Hoạt động của vi sinh

Vi sinh sống trong nước hoặc trong lớp lắng đọng của sông hồ, ao và đường ống dẫn là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi, vị lạ cho hệ thống cấp nước. Nhiều loại vi khuẩn, rong, tảo … được coi là nguyên nhân gây ra mùi, vị của nước ở bất kỳ thời gian nào trong năm và ở bất kỳ nơi nào có thể trong hệ thống cấp nước. Hoạt động sống và phát triển của vi sinh vật trong nước có thể gây ra mùi hôi vị lạ theo 2 quá trình:

Trong quá trình hoạt động sống và phát triển, chúng thải ra sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất. Sản phẩm phụ này hòa tan vào nước làm cho nước có mùi vị.Nồng độ của sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất của vi sinh có giá trị rất nhỏ chỉ vài nanogram/l ( từ 0,001 mg/l đến 0,003mg/l), nhưng với nồng độ như vậy của sản phẩm phụ này cũng đủ làm cho nước ăn uống có mùi, vị khó chịu.

Chất cellulo có trong vỏ tế bào của vi sinh ở trong nước ăn uống cũng là nguyên nhân gây ra mùi, vị. Khi vi sinh đang sống và hoạt động, các chất hữu cơ tích lũy trong vỏ tế bào, hợp chất cellulo này không gây ra mùi vị, khi vi sinh bắt đầu chết do tác động của môi trường tự nhiên hoặc do xử lý nước, tế bào vị phá hủy, chất cellulo được giải phóng vào nước, gây ra mùi vị. Điều này lý giải cho tại sao trong một số trường hợp nước trước khi xử lý diệt trùng có mùi vị tốt hơn sau khi xử lý.

Trong trường hợp nước có mùi vị sau xử lý clo hóa sơ bộ nước sông, hồ là do rong, rêu, tảo phát triển nở hoa sau đó chết do tác dụng của clo rồi đi vào nhà máy xử lý nước bằng phương pháp lắng, lọc giữ lại không triệt để, chất cellulo gây mùi vị có nồng độ rất nhỏ còn lại trong nước. Quá trình phân hủy chất hữu cơ bằng vi sinh vật nước cũng có thể gây ra mùi vị của nước thông qua việc đồng thời thải ra các sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất và giải phóng cellulo vào nước.

Loại vi sinh thứ cấp – loại lấy xác chết của rêu tảo, chất phù du à xác của vi sinh vật cấp 1 làm thức ăn rồi thải ra sản phẩm phụ thứ cấp rồi chết sẽ gây ra mùi vị khó chịu của nước.

Quá trình phân hủy các dưỡng chất là bước cơ bản trong quá trình hoạt động của vi sinh trong tự nhiên, nó có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước. Vì vậy việc xử lý nước thô có hiệu quả nhất là dùng các biện pháp ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh.

Nếu việc xử lý chỉ bắt đầu sau khi rêu tảo nở hoa, vi sinh đã phát triển mạnh thì sẽ tăng mạnh quá trình phân hủy chất và tạo mùi vị của nước. (Các chỉ tiêu vi sinh của nước gồm những gì)

  • Điều kiện môi trường

Sự phân tầng của nguồn nước mặt ở sông, hồ, ao về nhiệt độ và lượng oxy hòa tan tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh yếm khí phát triển, phân hủy các hợp chất có chứa lưu huỳnh, giải phóng ra khí hydro sulfua (H2S) làm cho nước có mùi trứng thối.

Độ thiếu hụt oxy hòa tan trong nước sông, hồ, kênh ao là do trong nước có nhiều chất hữu cơ và các hợp chất dinh dưỡng chứa nito và photpho. Sự tăng chất dinh dưỡng của nguồn nước (tăng hợp chất nito và photpho) là do tác động của điều kiện tự nhiên hoặc do kết quả tác động của con người trong lưu vực thu nước của sông, hồ.

Các chất bẩn hữu cơ bản thân chúng không gây ra thiếu hụt oxy trong nước mà do hoạt động của vi sinh lấy chất dinh dưỡng làm thức ăn, tiêu thụ oxy trong quá trình trao đổi chất làm cho lượng oxy hòa tan trong nước giảm xuống, lượng oxy cấp từ không khí hòa tan vào nước không đủ để bù đắp lượng tiêu thụ của vi sinh trong nước có nhiều chất dinh dưỡng, ở những nguồn nước sạch, vi sinh không có đủ thức ăn, số lượng ít quá trình trao đổi chất tiêu thụ oxy rất ít nên lượng oxy hòa tan trong nước luôn đạt đến trị số hòa tan bão hòa ( lượng oxy hòa tan bão hòa trong nước phụ thuộc vào nhiệt độ và áp suất khí quyển (độ cao).

Sự quang hợp của rêu tảo trong quá trình nở hoa do có nhiều chất dinh dưỡng, nước có nhiệt độ thích hợp và có cường độ nắng đầy đủ cũng tạo ra sự bão hòa và thiếu hụt oxy hòa tan trong nước trong vòng 24h (chu kỳ 1 ngày đêm). Quá trình quang hợp xảy ra trong những giờ có nắng, rêu tảo thực hiện quá trình quang hợp giải phóng oxy vào nước, rêu tảo nhiều, lượng oxy giải phóng vào nước lớn hơn lượng oxy bay hơi từ nước vào không khí nên trong nước có lượng oxy hòa tan quá bão hòa, ban đêm không có nắng không có quang hợp, rêu tảo thực hiện quá trình hô hấp nội bào, quá trình này là quá trình trao đổi chất, lấy oxy và thải CO2 vào nước. Rêu tảo lấy oxy hòa tan trong nước với lượng lớn hơn số lượng oxy trong không khí hòa tan được vào nước đến những giờ gần sáng, lượng oxy có trong nước gần như đã được sử dụng hết.

Sự dao động của oxy hòa tan trong ngày đêm có ảnh hưởng lớn đến mùi, vị. Thiếu hụt oxy trong những giờ ban đêm có thể làm cho cá và các sinh vật sống trong nước khác bị chết gây ra mùi hôi của nước.

Ngoài ra sự thiếu hụt oxy kích thích sự hoạt động của vi sinh yếm khí làm cho nước có màu kém mỹ quan. Sự thay đổi lớn lượng oxy hòa tan trong nước trong ngày đêm còn kéo theo sự thay đổi PH. Rêu tảo nhờ quang hợp sản sinh ra oxy và tiêu thụ CO2 hòa tan trong nước, PH của nước tăng lên trong những giờ có nắng. Khi đêm xuống rêu tảo tiêu thụ oxy và giải phóng CO2 vào nước trong quá trình hô hấp nội bào làm cho PH của nước giảm xuống.

Sự thay đổi PH gây ra do tăng giảm lượng CO2 trong nước đêm và ngày làm cho điểm PH đẳng điện trong quá trình keo tụ không ổn định, phải dùng hóa chất xử lý nước để điều chỉnh cho quá trình keo tụ, tạo bông cặn, khử trùng nước và chống ăn mòn diễn ra có hiệu quả nhất.

Nhiều trường hợp sự tuần hoàn lại nước rửa lọc, nước đã lắng trong khi xả cặn bể lắng vào bể trộn làm tăng chất dinh dưỡng của nước thô đưa vào xử lý. Vì chất dinh dưỡng có trong nước thô đã được giữ lại ở bể lắng, bể lọc lại được pha lại vào nước nguồn đi vào xử lý, vi sinh có điều kiện thuận lợi để phát triển lại, khi bể lắng bể lọc xả rửa không kỹ cặn vi sinh còn sót lại trong công trình là ổ phát ra mùi hôi vị lạ của nước.

Khi có mưa đột ngột lớn, dòng chảy trong kênh, sông tăng đột ngột làm sỏi cặn đã lắng ở đáy đưa vào nhà máy xử lý, loại cặn này cũng là nguyên nhân gây ra mùi vị của nước thường là mùi yếm khí, mùi bùn đất, mùi rêu mốc. Để tránh hiện tượng này mùi lũ phải đưa họng thu nước lên cao gần với mặt thoáng.

  • Tác động của con người trong diện tích lưu vực

Nhiều hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người trong diện tích lưu vực thu nước của sông hồ làm tăng khả năng tạo ra mùi vị của nước trong hệ thống cấp nước. Các loại chất bẩn có thể thâm nhập vào nguồn nước của hệ thống cấp nước như nước thải sinh hoạt của các khu dân cư tập trung chưa được xử lý đạt yêu cầu, nước thải của các hộ dân riêng lẻ, nước thải của các khu công nghiệp, nước mưa tràn ra từ các đô thị, nước thải từ sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu chưa tiêu thụ hết gặp trời mưa rửa trôi đưa vào sông hồ. Các loại chất bẩn này có thể gây ra mùi hôi trực tiếp hoặc thông qua chu trình hoạt động của vi sinh vật nước.

  • Các điểm trong hệ thống cấp nước có thể là điểm xuất phát của mùi vị

Tất cả các điểm (các công đoạn) trong hệ thống cấp nước đều có thể là nơi xuất phát của mùi hôi. Vì vậy khi phát hiện nước có mùi hôi cần phải rà soát tất cả các công đoạn của hệ thống cấp nước từ nguồn nước thô, ống dẫn nước thô, công trình xử lý nước, hệ thống đường ống phân phối và bể chứa nước. Bước đầu tiên phải xác định chỗ phát ra mùi hôi sẽ dễ dàng tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

+ Nguồn nước thô

Phần lớn các điểm xuất phát của mùi hôi, vị lạ trong hệ thống cấp nước nằm ở nguồn nước thô lấy từ sông, hồ, kênh hoặc trong ống dẫn nước thô về nhà máy xử lý. Bất kỳ chỗ nào trong hệ thống dẫn, thu, chứa nước thô đều có thể là chỗ cư trú và phát triển thuận lợi của vi sinh vật nước gây ra mùi hôi và vị lạ của nước cấp.

Khi khảo sát tìm điểm xuất phát của mùi hôi phải xem xét khả năng lấy mẫu, số mẫu cần lấy và thời gian lấy mẫu để phân tích, chú ý chỗ lấy mẫu là chỗ nước đi qua để vào nhà máy xử lý. Phân tích mẫu nước lấy tại các điểm này với các chỉ tiêu: lượng rêu tảo, chất phù du, tổng coliform, độ đục, PH, độ màu, lượng oxy hòa tan và đánh giá mùi. Sự thay đổi các chỉ tiêu chính trên giữa các điểm lấy mẫu có thể tìm ra nơi có khả năng sinh ra mùi hôi vị lạ. Tại điểm nghi ngờ này lấy mẫu phân tích thêm các chỉ tiêu Kjeldahl – nito (nito ở dạng hợp chất hữu cơ protein hoặc sản phẩm phân hủy của chúng dạng amoni được đo bằng phương pháp Kjeldahi), amoni, tổng lượng hữu cơ cacbon (TOC). Khi lấy mẫu thêm tại các điểm nghi ngờ, kiểm tra lại điều kiện môi trường xung quanh xem có bị chất bẩn thâm nhập không

+Tại nhà máy xử lý nước

Các mảnh vỡ, bùn cặn tích lũy tại các góc khuất của công trình xử lý lâu ngày sẽ gây ra mùi hôi, vị lạ. Rêu mọc trên thành bể và ở chỗ ít ánh sáng cũng là nguồn phát sinh mùi vị cho nước đã xử lý nên việc thường xuyên làm vệ sinh là cần thiết. Lấy mẫu nước ở nhiều điểm trong các công trình xử lý để phân tích thường xuyên hàng ngày đặc biệt ở nơi gần kho hóa chất, phèn bột và gần trạm clo, so sánh mùi ở các mẫu nước thô với mùi của nước ở các mẫu trong công trình xử lý.

Thường xuyên quan sát bằng mắt thường tường của bể lắng, bể lọc, mương dẫn nước để tẩy rửa kịp thời rong rêu và các chất nhầy dính bám, nếu có dịch nhầy bám vào tường tức là có ổ vi sinh phát triển phải lấy mẫu phân tích và diệt chúng bằng dung dịch oxy hóa mạnh như clo hay hóa chất diệt rêu tảo và rửa bằng vòi phun áp lực cao.

Một năm một lần phải tháo khô các công trình xử lý để kiểm tra lượng cặn xả không hết còn dính bám ở vùng nào, tẩy rửa và tìm biện pháp ngăn ngừa lượng cặn dư tích lũy lâu ở công trình.

Các trạm xử lý nước đặt ở nơi có nhiều bui, nhiều côn trùng bay vào ban đêm nên có mái che và lưới chắn.

+Hệ thống phân phối nước

Nếu nước từ các trạm xử lý phát ra tại đầu ống dẫn không có mùi hôi vị lạ thì ở mạng lưới mùi vị chỉ xuất hiện hạn chế theo vùng. Ở hệ thống phân phối có nhánh cụt, có vận tốc nước chảy trong ống thấp và không đều, ở vùng dùng nước thay đổi từ 2 nguồn cấp khác nhau nước thường xuyên có mùi vị lạ mặc dù chất lượng nước hoàn toàn tốt. Ghi chép ở những lần cho thấy mùi vị ở những vùng trên sẽ dễ dàng cho việc áp dụng các biện pháp khắc phục ví dụ như xả cặn trong ống thường xuyên hơn, pha trộn và thay đổi từ nguồn nước cấp.

Các phương pháp khử mùi hôi của nước

scroll top