CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT – THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ SAO VIỆT
Tổng kho 109 109 Trường Chinh - Thanh Xuân - Hà Nội
Email: saovietxulynuoc@gmail.com
Điện thoại: 0989.41.7777 - 0985.22.33.88

Cách chăm sóc bảo trì bể bơi composite

Bể bơi composite có tuổi thọ cao và dễ bảo trì hơn các loại bể bơi khác như bể nhựa vinyl hay bể bê tông. Bảo trì thường xuyên bể bơi composite bằng cách thường xuyên làm sạch, kiểm tra hóa học, sốc clo định kỳ và chạy bộ lọc là cần thiết để giữ hồ bơi luôn sạch sẽ, an toàn và hấp dẫn.

Những việc cần làm để bảo trì bể bơi composite

Vệ sinh làm sạch thường xuyên

Bể bơi composite thường ít bị tảo kéo dài hơn do bề mặt bể thường mịn và trơn làm rễ tảo khó bám sâu vào thành bể nên clo dễ dàng tiếp cận và tiêu diệt hơn. Tuy nhiên cần thiết phải thường xuyên làm sạch vệ sinh bằng các dụng cụ vệ sinh bể bơi như:

Sử dụng bàn chải hồ bơi sợi nilon mềm có cán bằng nhựa hoặc cán nhôm để không làm hỏng bề mặt sợi composite. Thường xuyên cọ các thành bể và bậc thang lên xuống để loại bỏ bụi bẩn, mảnh vụn và tảo. Bề mặt bể composite mịn và trơn nên dễ dàng và nhanh chóng cọ sạch cặn bẩn.

Vợt rác: Thường xuyên sử dụng vợt hớt rác để loại bỏ rác trôi nổi lơ lửng như lá, cành cây, tóc, vỏ hộp .. giữ nước luôn sạch sẽ.

Hàng ngày vào sáng sớm nên hút cặn để loại bỏ cặn lắng xuống đáy sau thời gian nghỉ qua đêm giúp nước hồ bơi sẽ luôn trong và sạch, công việc này không mất nhiều thời gian và có thể giúp kéo dài chất lượng nước tốt, hạn chế rêu tảo hay bị đục nước. Để tuần hoàn nước lại bể ngay mà không mất nước và không phải bù nước khi hút cặn hàng ngày sử dụng bộ lọc cặn di động tuần hoàn lại bể.

Sử dụng, kiểm tra và cân bằng hóa chất phù hợp

Sử dụng hợp lý và cân bằng các hóa chất trong nước cực kỳ quan trọng trong việc chăm sóc bảo trì bể bơi. Hóa chất có thể xem như hệ thống miễn dịch của hồ bơi. Nếu các hóa chất được cân bằng hợp lý, hồ bơi sẽ được đảm bảo an toàn trước các chất gây ô nhiễm và luôn sạch sẽ an toàn. Nếu hóa chất không được cân bằng có thể xuất hiện rêu tảo, PH giảm xuống gây ăn mòn làm hỏng bề mặt bể bơi composite. 

Dưới đây là các chỉ tiêu hóa chất quan trọng cần theo dõi

Clo: Là chất khử trùng chính trong hồ bơi bao gồm clo bột (calcium hypochlorite) hay clo lỏng, hay viên clo như dichlor hay trichlor (TCCA). Đối với bể composite khi sử dung viên clo cần thận trọng vì chúng có tính tẩy trắng mạnh có thể tẩy làm bạc màu bể tạo cảm giác cũ kỹ gây mất thẩm mỹ. Clo phải được duy trì ở mức 1 – 3ppm ( tức là hàm lượng clo tự do – lượng clo dư còn lại chưa phản ứng với chất ô nhiễm phải duy trì ở mức  1 – 3 mg/l )

PH: PH là thước đo mức độ axit hoặc bazo của nước hồ bơi. PH hồ bơi chuẩn ở phạm vi 7,2 – 7,8. PH quá cao hoặc quá thấp có nguy cơ khiến nước không an toàn để bơi và có thể làm hỏng thiết bị hồ bơi cùng bề mặt composite

Độ kiềm: Độ kiềm trong nước hồ bơi hoạt động như một chất đệm cho độ PH của nước giữ cho nước ổn định. Độ kiềm khuyến nghị cho nước bể bơi composite dao động từ 80 – 120 ppm để có hiệu quả tối đa.

Độ cứng canxi: Canxi cũng mang lại sự ổn định cho bể bơi, độ cứng canxi trong nước dùng cho bể composite nằm trong khoảng 175 – 225 ppm

Sốc bể bơi bằng clo

Sốc bể bơi là việc sử dụng một lượng lớn clo (clo bột 70%- calcium hypochlorite không dùng TCCA hay clo viên) nhằm ngăn chặn tảo phát triển, oxi hóa các kim loại nặng, chất hữu cơ ô nhiễm có thể làm nước bể bơi bị đục hay gây ố màu bề mặt bể bơi. Nên thực hiện sốc định kỳ mỗi tuần một lần hoặc có thể ngắn hơn tùy thuộc vào tình trạng nước. Nếu thời tiết nắng nóng nhiều, lượng người bơi lớn, mưa bão, bể bơi bị đục hay xuất hiện rêu tảo cần tiến hành sốc bể bơi ngay.

Lọc

Chạy bộ lọc từ 8 -12 giờ mỗi ngày tùy thuộc vào mức độ sử dụng của bể bơi nhằm loại bỏ cặn bẩn, rác trôi nổi, lá cây, mảnh vụn trong nước. Cần kiểm tra rửa ngược bộ lọc định kỳ, kiểm tra và bảo dưỡng máy bơm thường xuyên xem có vấn đề gì bất thường không.

Duy trì mực nước phù hợp

Mực nước trong hồ bơi cần được chú ý giữ ở mức cao hơn 1 cửa so với cổng skimmer để đảm bảo nước lưu thông hiệu quả và được lọc tuần hoàn đầy đủ

 

Hướng dẫn chăm sóc bảo trì bể bơi composite

 

Một số câu hỏi thường gặp

Bao lâu cọ bể bơi composite một lần

Nhìn chung bể composite có lớp bề mặt mịn, xốp và trơn nên cặn bẩn khó bám vào bề mặt hơn nên không đòi hỏi cọ bể quá nhiều, ít nhất một lần một tuần nên cọ bể bằng bàn chải cọ bể sợi nhựa.

Sử dụng hóa chất gì cho bể composite

Giống như bất kỳ loại bể bơi nào, bể bơi làm từ vật liệu composite cũng cần có các hóa chất như clo, chất điều chỉnh độ kiềm, chất điều chỉnh độ PH (xút), hóa chất diệt rêu.

Làm thế nào loại bỏ vết bẩn khỏi bể composite

Các vết bẩn ở hồ bơi cần phải được làm sạch càng sớm càng tốt vì chúng sẽ khó loại bỏ hơn nếu để lâu không xử lý. Các vết bẩn hữu cơ có từ lá, quả chín từ các cây nhô ra hoặc xung quanh hồ bơi, bụi bẩn và tảo (tảo đen xuất hiện dưới dạng các đốm đen mọc trên vỏ bể bơi). Các vết bẩn vô cơ từ các kim loại như: Sắt tạo rỉ, màu vàng nâu, đồng tạo màu xanh lá cây hoặc xanh dương, mangan tạo màu nâu, đen hoặc tím. Cặn canxi tích tụ lâu ngày từ nguồn nước cứng có thể gây đổi màu, ố vàng thành bể gây mất thẩm mỹ.

Các vết bẩn hữu cơ có thể loại bỏ bằng cách sử dụng bàn chải để cọ. Vết bẩn có thể phải cọ nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn. Lặp lại quá trình cọ thường xuyên cho đến khi biến mất hoàn toàn.

Các vết bẩn rỉ sét có thể sử dụng viên clo chà xát (không chà quá mạnh để tránh làm hỏng bề mặt bể composite) hoặc có thể bôi viên vitamin C trực tiếp lên vết bẩn, nó có thể hoàn tan vết bẩn về mặt hóa học sau đó sử dụng bàn chải sợi nilon để loại bỏ.

Các vết ố bẩn xung quanh mực nước hồ bơi gây ra bởi sự tích tụ của kem chống nắng, dầu, và kim loại dư thừa loại bỏ bằng vải mềm hoặc miếng bọt biển.

scroll top